Thuở thiếu thời Heinrich Himmler

Heinrich Luitpold Himmler sinh ngày 7 tháng 10 năm 1900 tại Munich trong một gia đình trung lưu bảo thủ theo Công giáo La Mã. Cha ông là Gebhard Himmler (17 tháng 5 năm 1865 - 29 tháng 10 năm 1936), một giáo viên, và mẹ là Anna Maria Himmler (nhũ danh: Heyder; 16 tháng 1, 1866 - 10 tháng 9 năm 1941), một người sùng đạo Công giáo La Mã. Heinrich có hai anh em trai, Gebhard Ludwig (29 tháng 7 năm 1898 – 1982) và Ernst Hermann (23 tháng 12 năm 1905 – 2 tháng 5 năm 1945).[2]

Tên của Himmler, Heinrich, lấy từ cha đỡ đầu của ông, Thái tử Heinrich xứ Bavaria, một thành viên của gia đình hoàng gia Bavaria, người đã được Gebhard Himmler kèm cặp.[3][4] Himmler từng theo học tại một trường trung học ở Landshut, nơi mà cha ông làm phó hiệu trưởng. Ông thực hiện tốt việc học nhưng gặp khó với các môn thể thao.[5] Sức khỏe của Himmler không được tốt, ông đã phải chịu đựng những cơn đau dạ dày trong suốt cuộc đời cùng những bệnh tật, đau đớn khác. Thời niên thiếu ông rèn luyện hàng ngày với tạ và các bài tập để cơ thể trở nên khỏe khoắn hơn. Các chàng trai cùng trường sau này nhớ đến ông là một người chăm học và vụng về trong giao tiếp, hoạt động xã hội.[6]

Trong cuốn nhật ký mà Himmler viết một cách không liên tục từ năm 10 tuổi cho thấy ông tỏ ra quan tâm đến những sự kiện hiện thời, các cuộc đấu tay đôi, và "bàn luận nghiêm túc về tôn giáo và tình dục".[7][8] Vào năm 1915, ông bắt đầu rèn luyện cùng với Quân đoàn Học viên Landshut. Cha ông đã tận dụng những mối quan hệ với gia đình hoàng gia để giúp ông được chấp nhận là một ứng cử viên cho chức sĩ quan, và Himmler gia nhập tiểu đoàn dự bị thuộc Trung đoàn Bavaria số 11 vào tháng 12 năm 1917. Gebhard, cha của Himmler, tham gia chiến đấu trên mặt trận phía Tây, từng nhận huân chương Thập tự Sắt và cuối cùng được thăng chức Trung úy. Vào tháng 11 năm 1918, trong khi Himmler vẫn đang trong quá trình huấn luyện, chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc với thất bại của nước Đức, khiến Himmler không còn cơ hội trở thành một sĩ quan hay được tham gia chiến đấu. Sau khi giải ngũ vào ngày 18 tháng 12, ông quay trở về Landshut.[9]

Chiến tranh kết thúc, Himmler hoàn thành chương trình trung học. Từ năm 1919 đến 1922, ông học nông học tại Technische Hochschule Munich (nay là Đại học Kỹ thuật Munich), sau đó là một giai đoạn ngắn học việc ở một trang trại và một đợt ốm đau tiếp theo xảy đến.[10][11]

Mặc dù nhiều quy định phân biệt đối xử chống lại những người ngoài Kitô giáo, bao gồm cả người Do Thái và những nhóm dân tộc thiểu số khác, đã được loại bỏ trong quá trình thống nhất nước Đức vào năm 1871, chủ nghĩa bài Do Thái vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển mạnh ở Đức và các nơi khác ở châu Âu.[12] Himmler bài Do Thái từ thời điểm ông vào trường đại học, nhưng không quá gay gắt; sinh viên tại trường của ông cũng lảng tránh những bạn học người Do Thái.[13] Thời sinh viên, ông vẫn là một tín đồ Công giáo tận tâm và dành hầu hết thời gian rảnh rỗi cùng những thành viên của hội đấu kiếm "League of Apollo", chủ tịch của hội này là người Do Thái. Himmler đã giữ một thái độ lịch sự với vị chủ tịch cũng như những thành viên người Do Thái khác của hội, bất chấp mức độ bài Do Thái trong ông đang dần tăng lên.[14][15] Trong năm thứ hai đại học, Himmler nỗ lực lên gấp đôi nhằm theo đuổi sự nghiệp quân sự. Mặc dù không thành công tuy nhiên ông vẫn có thể tiếp tục tham gia trong lực lượng bán quân sự ở Munich. Đó là thời điểm ông gặp Ernst Röhm, một trong những thành viên gia nhập Đảng Quốc xã đầu tiên và là người đồng sáng lập ra tổ chức Sturmabteilung ("Tiểu đoàn Bão táp"; SA).[16][17] Himmler ngưỡng mộ Röhm vì ông ta là một người lính chiến đấu kỳ cựu với nhiều huy chương, và Himmler đã gia nhập nhóm chủ nghĩa dân tộc bài Do Thái của Röhm, Bund Reichskriegsflagge (tạm dịch: Liên minh Lá cờ Chiến tranh Đế quốc), theo lời mời gọi của ông ta.[18]

Vào năm 1922, Himmler trở nên quan tâm nhiều hơn đến "vấn đề Do Thái", với những lời nhận xét bài Do Thái tăng lên trong các mục của cuốn nhật ký và việc ghi lại một số cuộc thảo luận về người Do Thái với bạn học cùng lớp. Danh sách những tài liệu ông đọc, theo như ghi trong cuốn nhật ký, chủ yếu là những sách nhỏ có nội dung bài Do Thái, thần thoại về Đức, các vùng đất huyền bí.[19] Sau cái chết của Bộ trưởng Ngoại giao Walther Rathenau vào ngày 24 tháng 6, quan điểm chính trị của Himmler nghiêng hoàn toàn về phía cánh hữu, và ông đã tham gia vào những cuộc biểu tình phản đối Hiệp ước Versailles. Vào mùa hè năm đó, siêu lạm phát hoành hành tại Đức, và cha mẹ Himmler đã không còn có thể chu cấp việc học cho cả ba người con. Thất vọng vì không thể có được một sự nghiệp quân sự và cha mẹ không có khả năng tài trợ cho những nghiên cứu tiến sĩ của mình, ông buộc phải nhận lấy một công việc văn phòng thu nhập thấp sau khi có được tấm bằng nông nghiệp. Ông duy trì công việc này cho đến tháng 9 năm 1923.[20][21]

Hoạt động trong Đảng Quốc xã

Himmler gia nhập Đảng Quốc xã (NSDAP) vào tháng 8 năm 1923, số hiệu đảng 14.303.[22][23] Với tư cách là thành viên trong đơn vị bán quân sự của Röhm, Himmler dính líu đến vụ đảo chính nhà hàng bia—một nỗ lực không thành của Hitler và Đảng Quốc xã nhằm thâu tóm quyền lực ở Munich. Sự kiện này đã dẫn cuộc đời Himmler theo con đường chính trị. Ông đã bị cảnh sát thẩm vấn về vai trò trong cuộc đảo chính nhưng không bị buộc tội vì không đủ bằng chứng. Tuy nhiên, ông bị mất việc và không thể tìm được việc làm mới với tấm bằng nông học, và ông chuyển đến sống cùng cha mẹ ở Munich. Chán nản vì những thất bại, ông trở nên cáu kỉnh, hung hăng, ngoan cố hơn bao giờ hết, đồng thời xa lánh cả bạn bè và những người thân trong gia đình.[24][25]

Giai đoạn 1923-1924, Himmler trong khi đang tìm kiếm một thế giới quan đã từ bỏ Công giáo và tập trung vào sự huyền bí và chủ nghĩa bài Do Thái. Thần thoại Đức được bổ sung những ý tưởng huyền bí trở thành tôn giáo của ông. Himmler nhận thấy sự lôi cuốn của Đảng Quốc xã vì những quan điểm chính trị của đảng này phù hợp với quan điểm cá nhân của mình. Ban đầu, ông không được hưởng lợi từ uy tín của Hitler hay từ sự tôn sùng đối với vị lãnh tụ tương lai. Sau khi tìm hiểu nhiều hơn về Hitler, Himmler bắt đầu chú ý đến ông ta như là một nhân vật có năng lực trong đảng,[26][27] rồi tiếp theo là đến ngưỡng mộ và thậm chí tôn sùng.[28] Để củng cố và nâng cao vị thế của mình, Himmler đã lợi dụng tình hình xáo trộn trong đảng sau khi Hitler bị bắt giữ bởi vụ đảo chính nhà hàng bia.[28] Từ giữa năm 1924 Himmler làm thư ký của đảng và hỗ trợ tuyên truyền dưới quyền Gregor Strasser. Ông đã đi khắp vùng Bavaria để kích động cho đảng, kèm theo đó là những bài diễn thuyết và phát tán truyền đơn. Theo sự phân công của Strasser, Himmler phụ trách văn phòng đảng tại vùng Hạ Bavaria từ năm 1924, ông có nhiệm vụ tập hợp các thành viên trong khu vực vào Đảng Quốc xã dưới sự lãnh đạo của Hitler khi đảng này tái thành lập vào tháng 2 năm 1925.[29][30]

Cũng trong năm 1925, Himmler trở thành SS-Führer (Thủ lĩnh-SS) khi gia nhập Schutzstaffel (SS); số hiệu của ông trong lực lượng là 168.[23] SS, ban đầu là một phần của tổ chức lớn hơn nhiều là SA, thành lập vào năm 1923 với mục đích bảo vệ cá nhân Hitler, và được tái thành lập vào năm 1925 như là một đơn vị tinh nhuệ của SA.[31] Vị trí lãnh đạo đầu tiên của Himmler là SS-Gauführer (thủ lĩnh địa hạt) tại vùng Hạ Bavaria từ năm 1926. Vào tháng 1 năm 1927 Strasser bổ nhiệm Himmler làm phó chánh tuyên truyền. Với tư cách là nhân vật điển hình trong đảng, Himmler hành động tự do một cách đáng kể với chức vụ của mình và điều này ngày một tăng lên theo thời gian. Ông bắt đầu thu thập các số liệu thống kê về số lượng người Do Thái, người thuộc Hội Tam Điểm, những kẻ thù của đảng, và để đáp ứng nhu cầu kiểm soát mạnh mẽ của mình, ông đã phát triển một bộ máy quan liêu kỹ càng.[32][33] Vào tháng 9 năm 1927, Himmler nói với Hitler về tầm nhìn của mình, đó là chuyển đổi SS thành một đơn vị trung thành, hùng mạnh, ưu tú tinh khiết về chủng tộc. Tin tưởng Himmler là một người được việc, Hitler bổ nhiệm ông làm Phó Reichsführer-SS (Thống chế SS), với cấp bậc SS-Oberführer (Binh đoàn trưởng).[34]

Trong khoảng thời gian đó, Himmler tham gia Artamanen-Gesellschaft (Liên đoàn Artaman), một nhóm Völkisch trẻ tuổi [lower-alpha 1]. Tại đây ông gặp Rudolf Hess(Rudolf Heß), chỉ huy của trại tập trung Auschwitz sau này; và Walther Darré, tác giả với cuốn sách The Peasantry as the Life Source of the Nordic Race (tạm dịch:Tầng lớp nông dân là nguồn sống của chủng tộc Bắc Âu) đã thu hút được sự chú ý của Hitler, dẫn đến việc sau này ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm. Darré là một tín đồ trung kiên về sự ưu việt của chủng tộc Bắc Âu, và triết lý của ông đã ảnh hướng lớn đến Himmler.[35][31]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Heinrich Himmler //nla.gov.au/anbd.aut-an35765903 http://www.britishpathe.com/video/death-of-himmler http://www.grolier.com/wwii/wwii_himmler.html http://www.sify.com/news/shadowy-nazi-support-grou... http://www.worldmediarights.com/ http://www.worldmediarights.com/index.php?hidActio... http://aleph.nkp.cz/F/?func=find-c&local_base=aut&... http://www.spiegel.de/spiegel/print/d-61822072.htm... http://catalogo.bne.es/uhtbin/authoritybrowse.cgi?... http://catalogue.bnf.fr/ark:/12148/cb126130639